Dấu hiệu & chẩn đoán

  • Chỉ dẫn chung

    Những chỉ dẫn dưới đây chỉ có giá trị tham khảo. Trong mọi trường hợp có dấu hiệu bất thường về răng miệng, Nha khoa Dr. Liệu khuyên bạn nên tới gặp nha sĩ để được thăm khám, xác định đúng nguyên nhân, từ đó khắc phục vấn đề một cách triệt để.

    Việc tự điều trị, đặc biệt là tự sử dụng thuốc (thuốc giảm đau, kháng sinh…) có thể tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng và khiến tình trạng bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn.

    Khắc phục sớm các vấn đề về răng miệng sẽ giúp ngăn chặn các tác động tiêu cực tới răng thật, hạn chế cảm giác khó chịu trong quá trình điều trị cũng như tiết kiệm đáng kể về thời gian và chi phí.

  • Các dấu hiệu thường gặp & chẩn đoán:

  • 1. Đau nhức răng

    Đau nhức răng có thể do các nguyên nhân như:

    - Sâu răng hoặc răng bị nứt, khiến tủy răng bị viêm;

    - Bệnh liên quan đến lợi/nướu răng;

    - Mọc răng hoặc răng bị thiếu chỗ trong quá trình mọc;

    - Chấn thương khớp thái dương hàm.

    Căn cứ theo kết quả thăm khám, nha sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây đau để đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp (điều trị viêm tủy, điều trị viêm lợi, kê thuốc…).

  • 2. Ê buốt răng

    Bình thường, lớp men răng bên ngoài sẽ bao phủ trên bề mặt răng, bảo vệ lớp ngà răng bao quanh dây thần kinh. Do nhiều nguyên nhân, lớp men răng có thể bị mỏng đi, làm lộ ngà răng, khiến các tác nhân bên ngoài như nhiệt độ (nóng, lạnh), thực phẩm có tính axit, chua, ngọt… tác động trực tiếp lên ngà răng, gây ra cảm giác ê buốt.

    Nguyên nhân gây lộ ngà răng có thể là:

    - Chăm sóc răng không đúng cách: chải răng quá mạnh, quá nhiều, sử dụng bàn chải quá cứng, sử dụng kem đánh răng có độ mài mòn quá cao, dùng nước súc miệng quá nhiều;

    - Đồ ăn, đồ uống có tính axit cao, ăn mòn men răng;

    - Nghiến răng;

    - Các bệnh về nướu/lợi gây tụt nướu/lợi, để lộ chân răng;

    - Răng gãy/mẻ.

    Ngoài ra, răng ê buốt có thể là hiện tượng phản ứng phụ đi kèm trong một số trường hợp điều trị nha khoa (tẩy trắng răng, lấy cao răng, niềng răng hoặc hàn răng) cho người có răng quá nhạy cảm hoặc do nha sĩ thao tác không đúng kỹ thuật.

    Để khắc phục tình trạng này, nha sĩ cần xác định đúng nguyên nhân khiến răng ê buốt, từ đó đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Một số biện pháp nha sĩ có thể sẽ áp dụng là:

    - Hướng dẫn cách chăm sóc răng đúng cách: lựa chọn bàn chải đánh răng, kem đánh răng, cách chải răng, cách dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng…;

    - Hàn răng ở vị trí răng bị mài mòn, gãy/mẻ;

    - Trị chứng nghiến răng (xem thêm tại dấu hiệu và chẩn đoán số 4 cho chứng “Nghiến răng”);

    - Điều trị viêm lợi.

  • 3. Nghiến răng

    Nghiến răng là chứng bệnh tương đối phổ biến nhưng lại ít người nhận biết do thường xảy ra trong lúc ngủ. Một số dấu hiệu thường gặp ở những người mắc chứng nghiến răng là:

    - Răng có dấu hiệu bị mòn, tăng độ nhạy cảm, ê buốt;

    - Đau hàm, đau mặt hoặc đau tai;

    - Nhức đầu;

    - Có vết lõm trên lưỡi.

    - Răng nghiến chặt, có thể gây tiếng động làm bản thân hoặc người xung quanh tỉnh giấc.

    Nguyên nhân gây nghiến răng có thể là:

    - Stress, căng thẳng, lo sợ;

    - Bất thường ở khớp cắn, mất răng, răng mọc lệch lạc;

    - Di truyền;

    - Tổn thương hệ thần kinh trung ương;

    - Tác dụng phụ của thuốc.

    Phụ thuộc nguyên nhân và tình trạng răng, hàm, nha sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Một số biện pháp nha sĩ có thể áp dụng là:

    - Tư vấn những điều cần lưu ý để giảm stress, căng thẳng trong công việc và cuộc sống;

    - Mang hàm bảo vệ cho răng;

    - Điều chỉnh lệch lạc khớp cắn, chỉnh nha;

    - Tư vấn về chế độ dinh dưỡng, hạn chế tác dụng phụ của thuốc;

    - Kê thuốc hỗ trợ điều trị (nếu cần).

  • 4. Gãy/mẻ/vỡ răng

    Răng có thể bị gãy/mẻ/vỡ do:

    - Tai nạn, cắn chặt và mạnh quá mức;

    - Nghiến răng;

    - Thiếu canxi trong men răng;

    - Cao răng, mảng bám không được loại bỏ kịp thời khiến vi khuẩn xâm nhập và làm hỏng răng từ bên trong.

    Phụ thuộc vào mức độ gãy/mẻ/vỡ cũng như tình trạng tổn thương của răng, nha sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Một số biện pháp có thể được nha sĩ áp dụng là:

    - Hàn răng;

    - Trị chứng nghiến răng (xem thêm tại dấu hiệu và chẩn đoán số 4 cho chứng “Nghiến răng”);

    - Lấy cao răng;

    - Veneer sứ;

    - Phục hình cố định.

  • 5. Chảy máu chân răng

    Chảy máu chân răng là triệu chứng thường gặp và cũng thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ về sức khỏe mà bạn cần lưu tâm tìm cách xử lý để tránh những biến chứng đáng tiếc bởi có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, một số trường hợp có thể liên quan tới những căn bệnh nghiêm trọng.

    Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu của những vấn đề về sức khỏe sau:

    - Bệnh răng miệng như viêm lợi, viêm quanh răng… với các dấu hiệu như lợi sưng tấy và dễ chảy máu, đặc biệt là lúc đánh răng, lợi chuyển từ màu hồng nhạt sang màu đỏ, đau nhức lợi, sưng má, lợi teo rút dần làm lộ chân răng, hôi miệng ngay cả khi vừa chải răng xong… Nếu không được điều trị kịp thời, viêm lợi có thể tiến triển nghiêm trọng hơn thành viêm quanh răng và dẫn tới răng bị lung lay hoặc bị rụng.

    - Dinh dưỡng kém: ăn uống thiếu chất, thiếu vitamin (C, K).

    - Bệnh về máu: các bệnh thiếu thành phần tham gia vào quá trình làm đông máu như bệnh giảm tiểu cầu, thiếu canxi máu, bệnh ưa chảy máu…

    - Bệnh về gan: do gan tham gia vào quá trình tổng hợp chất đông máu.

    - Bệnh tiểu đường: khả năng miễn dịch suy giảm, đường huyết tăng cao là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng răng miệng.

    Căn cứ theo kết quả thăm khám, nha sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp, bao gồm:

    - Điều trị các bệnh răng miệng: lấy cao răng, điều trị viêm lợi, điều trị viêm tủy…;

    - Hướng dẫn chăm sóc răng đúng cách;

    - Tư vấn về chế độ dinh dưỡng;

    - Tư vấn thăm khám, kiểm tra sức khỏe tổng thể (nếu cần).

  • 6. Hôi miệng

    Hôi miệng là triệu chứng khá phổ biến, không chỉ gây nhiều bất tiện trong giao tiếp mà còn có thể ảnh hưởng tới tâm lý khiến người bị mắc chứng này trở nên tự tin, e ngại tiếp xúc với người khác.

    Một số nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến là:

    - Vệ sinh răng miệng kém: vi khuẩn phân hủy gây mùi hôi do thức ăn giắt đọng trong miệng, lưỡi bẩn…

    - Bệnh răng miệng như cao răng, viêm lợi, viêm quanh răng, sâu răng…

    - Nhiễm trùng đường hô hấp: ung thư phổi, lao phổi, viêm phổi, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm cuống họng…

    - Bệnh đường tiêu hóa: bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, hẹp môn vị, rối loạn tiêu hóa… Van đóng giữa thực quản và dạ dày không đảm bảo khép kín khiến mùi lên men của thức ăn chậm tiêu trong dạ dày trào ngược lên thực quản gây hôi miệng.

    - Miệng khô do tuyến nước bọt hoạt động kém, uống ít nước, thở bằng miệng, hút thuốc, tác dụng phụ của thuốc, thiếu vitamin A, B12, sắt, kẽm…

    - Sử dụng một số loại thực phẩm: sau khi tiêu hóa, dư chất dạng hơi thải ra ngoài qua đường thở như tỏi, hành, món ăn nhiều đạm, nhiều chất béo...

    - Bệnh tiểu đường, gan, thận, ung thư

    - Cơ thể suy nhược

    - Lượng kích thích tố trong cơ thể thay đổi ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh, trong kỳ kinh nguyệt.

    Để loại bỏ tình trạng hôi miệng, nha sĩ sẽ thăm khám để tìm nguyên nhân và đưa ra chỉ định điều trị phù hợp, bao gồm:

    - Điều trị các bệnh răng miệng: lấy cao răng, điều trị viêm lợi, điều trị viêm tủy…;

    - Hướng dẫn chăm sóc răng đúng cách;

    - Tư vấn về chế độ dinh dưỡng;

    - Tư vấn thăm khám, kiểm tra sức khỏe tổng thể (nếu cần).

Top